Chào mừng quý vị đến với Chào mừng bạn đến với website của Đoàn Thị Hồng Điệp.
Thầy giáo làng xưa
Thầy giáo làng xưa |
Cả làng tôi chỉ có một ngôi trường này. Gọi là trường, thực tế chỉ có một lớp học cả trai và gái độ 40 em, đủ mọi trình độ từ vỡ lòng đến lớp cao nhất có thể viết văn và làm toán từ ba, bốn phép tính. Thật khó có thể phân loại học sinh thuộc lớp nào! |
Vào cái thời phong kiến, ở nông thôn không có trường công lập. Muốn cho con em mình có “cái chữ”, dân làng phải góp công sức mở trường tư. Các vị chức sắc trong làng, trong đó có ông tôi đã mời về một thầy giáo vừa dạy Quốc ngữ, vừa dạy chữ Hán. Ông đã dự kì thi hương ở tỉnh nhưng không đỗ. Dân làng quen gọi ông là thầy giáo Tư, sau này tôi mới hiểu “Tư” là trường tư thục chứ không phải tên của thầy. Lớp học là một ngôi nhà tranh, vách đất, cạnh miếu “âm hồn” của làng. Thầy được thu xếp ở trong căn nhà hội họp của miếu này. Chúng tôi không thấy gia đình của thầy, thầy sống với người cháu gọi bằng cậu. Thỉnh thoảng thầy có về thăm quê mình cách trường độ hơn 10 cây số. Ngày ấy, chúng tôi học cả ngày. Ôêpsawps xếp thời gian dạy rất hợp lí. Vừa ra bài tập văn cho học trò lớp lớn, rồi chép đề toán cho học trò lớp trung. Xong việc ông đọc chính tả cho học trò lớp nhỡ... còn lũ học trò mới vào học như tôi thì ngồi ê a diễn vần Quốc ngữ. Sau giờ ra chơi, lớp học như ong vỡ tổ! Các học sinh lớp lớn và lớp trung được trưng dụng kiểm tra bài tập đọc, bài diễn vần của các học sinh lớp dưới... trong khi đó thầy cặm cụi chấm bài tập văn hoặc chấm toán. Nhiều khi thầy lại “phóng chữ” cho học trò học chữ Hán. Nhóm học trò này nằm dài trên tấm ván, đọc các câu “Tiên học lễ, hậu học văn” hoặc “Nhân chi sơ tính bổn thiện”... Một cậu học trò đang mài mực Tàu trên nghiên mực, thầy cầm bút lông rất nhẹ nhàng và bay bướm phóng ra những nét chữ rất đẹp và sắc sảo vô cùng. Thầy giáo có cách quản lí học sinh rất nghiêm khắc, đối với những học trò lười, trốn học thì thầy bảo sẽ cho một số học trò lớn đến nhà bắt bỏ vào giỏ tre khiêng về trường. Chúng tôi chẳng bao giờ thấy có trò nào được “vinh dự” ngồi vào giỏ này cả. Về sau này tôi mới hiểu thầy chỉ doạ suông thôi! Nhưng vào thời ấy chúng tôi sợ lắm, không bao giờ dám trốn học. Vào giờ tập viết, thầy kẻ ô trên bảng, viết các con chữ đứng, xiên, to, nhỏ đúng quy cách và thật đẹp. Ai viết sai thì bị thầy xử phạt rất khắt khe bằng cách dùng thước kẻ đánh vào bàn tay hoặc đầu các ngón tay chụm lại. Phụ huynh học sinh trả công cho thầy tuỳ từng hoàn cảnh. Chẳng có tiền bạc gì cả, người mang đến vài lon gạo, kẻ bó rau, con cá... Ngày Tết có con gà, vài bơ nếp... Cơm nước cho thầy có người cháu lo liệu. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi giúp thầy bằng cách đi tìm củi, xách nước. Bữa cơm của thầy chỉ đĩa dưa và bát cá đồng kho với mắm cua. Cuộc sống thật đạm bạc, nghèo khổ vô cùng. Nhưng khi lên lớp, thầy vẫn luôn mặc chiếc áo lương dài mầu đen, sờn vai, đầu đội chiếc khăn xếp thật trang nghiêm. Các thế hệ học sinh cứ tiếp nối bước qua trường làng. Các cậu tôi, sau này các anh lớn tôi đều là học trò của thầy. Ai cũng học ở đây ba năm, sau đó mới về thị xã thi vào học cấp tiểu học, học cấp này trong ba năm để thi lấy bằng tiểu học (Primaire). Tiếp theo học bốn năm nữa ở cấp Cao đẳng Tiểu học, rồi thi lấy bằng Thành chung (Diplôme). Cậu tôi đậu bằng này rồi ra làm công chức. Anh tôi thì ra Huế học tiếp tú tài ở trường Lycée Khải Định. Bây giờ đến lớp trẻ chúng tôi lại bắt đầu học ở trường làng. Tuổi chồng chất theo năm tháng, thân thể thầy còm cõi, giọng giảng bài của thầy yếu dần, có ngày chúng tôi phải nghỉ học vì thầy lâm bệnh. Một thời gian sau thì trường đóng cửa. Thầy trở về quê một thời gian rồi từ trần cũng lặng lẽ như cuộc đời của thầy, hưởng thọ 70 tuổi. Suốt mấy chục năm sau đó, lũ học trò chúng tôi có người đi xa, người làm nghề này, nghề nọ, cũng có người làm nghề dạy học như thầy. Những khi chúng tôi gặp nhau, ôn lại bao kỉ niệm xưa, lắm người kể các chuyện vui buồn của thời bắt đầu đi học ở trường làng... Có năm chúng tôi cùng về quê thầy thăm viếng. Điều đáng buồn là thầy không có gia đình riêng, việc thờ cúng do người cháu gọi thầy bằng cậu ngày xưa, nay ông cũng trên 70 tuổi rồi. Trên bàn thờ, di ảnh thầy vẫn còn nét nghiêm nghị mà có lúc làm bọn trẻ phải khiếp sợ nhưng vẫn luôn đem lòng kính trọng và thương mến. Chúng tôi thắp nén hương kính dâng hương hồn thầy với lòng biết ơn vô vàn. Lâm Hà Trích báo Người cao Tuổi |
Đoàn Thị Hồng Điệp @ 11:19 10/01/2009
Số lượt xem: 3181
- Nữ liệt sĩ Trần Bội Cơ - một tấm gương sáng của tuổi trẻ Sài Gòn - Chợ Lớn (10/01/09)
- Trần Văn Ơn (1931 - 1950) (10/01/09)
- 9-1-1950: NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN VIỆT NAM. (10/01/09)
- ĐỊA ĐẠO CỦ CHI (07/01/09)
- Ai Cập huyền bí (07/01/09)
Các ý kiến mới nhất